Tin tức

Nghệ Sĩ Ẩn Danh

Cập nhật : 16:23:37 PM - 08/05/2016  1571 lượt xem

(TT&VH Online) - Họ tự gọi mình là "Artists Anonymous" (Những nghệ sĩ ẩn danh) và cho đến nay vẫn hoàn toàn giấu kín danh tính của mình. Tác phẩm của họ không hề được ký tên, không biết ai là tác giả. Qua đó họ muốn bày tỏ sự phản kháng đối với tệ sùng bái cá nhân trong nghệ thuật và buộc công chúng phải tập trung toàn bộ sự chú ý vào tác phẩm. Điều lý thú là: Càng ẩn danh bao nhiêu, nhóm "Artists Anonymous" càng nổi tiếng bấy nhiêu.
* Chấm dứt sùng bái cá nhân

Thực tế là tệ sùng bái cá nhân trong nghệ thuật ngày càng trở nên trầm trọng. Giáo sư kinh tế Mỹ Don Thompson mới đây đã phải viết hẳn một cuốn sách nhan đề The $12m Stuffed Shark chỉ để lý giải vì sao có người trả tới 12 triệu USD để mua xác ướp một con cá mập đang thối rữa. Câu trả lời: Đơn giản chỉ vì đó là tác phẩm của một nghệ sĩ đương đại đang có tên tuổi: Damien Hirst, người chuyên sáng tác về đề tài cái chết. Năm 2004 tỷ phú Steven A. Cohen chi 12 triệu USD để mua tác phẩm nói trên của Damien Hirst, thực chất chỉ là một con cá mập dài 4,3 mét được ngâm trong một bể kính formaldehyde, nhưng mang một cái tên khá cầu kỳ là The Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living (tạm dịch: Sự vô lý thực thể của cái chết trong cách nghĩ của người sống).

Don Thompson gọi kiểu sưu tầm nghệ thuật chạy theo tên tuổi tác giả như vậy là "Nghệ thuật chiến lợi phẩm".Ông định nghĩa "nghệ thuật chiến lợi phẩm” là “khi người ta đã có một căn hộ đắt tiền ở London, một lâu đài ở miền Nam nước Pháp hay một du thuyền xa xỉ và chẳng còn thứ gì hơn thế nữa có thể biểu lộ sự giàu có của mình, ngoài việc mua bằng được tác phẩm của một nghệ sĩ nào đó mà nhiều người biết đến, như Warhol, Hirst, hay Picasso”. Theo Don Thompson những người giầu có thời nay mua tranh khác hẳn với các các nhà quý tộc thời xưa. Ông nói: “Các nhà quý tộc thời xưa là những mạnh thường quân thực sự, họ sưu tầm nghệ thuật để đáp ứng sự mong đợi của mọi người và chứng minh sự nhạy cảm về nghệ thuật của mình, chứ không phải để khoe khoang của cải, vì ai cũng biết họ là người giầu có rồi”.

 
Chấm dứt sùng bái cá nhân chính là tiêu chí, đồng thời cũng là bí quyết thành công của nhóm Artists Anonymous, viết tắt AA. Cho tới nay công chúng vẫn không biết nhóm họa sĩ này gồm những ai. Người ta chỉ biết nhóm được thành lập vào ngày 11/9/2001 tại Berlin (Đức), lúc sống ở Berlin, lúc sống ở London (Anh). Điều mong muốn duy nhất của họ: Hoàn toàn được tự do trong mọi quyết định sáng tác, không chịu bất cứ một sự lệ thuộc nào vào thị trường nghệ thuật cũng như thị hiếu xã hội. Các tác phẩm của AA là một sự pha trộn của hội họa, nhiếp ảnh, trình diễn, sắp đặt và video-art.
 
* Hoàn toàn vô danh
 
 Âm bản của nó mang tên I hate
the world and the world hates me
Người ta được biết nhóm này gồm có 5 người Đức và Anh, từng theo học ở các trường như Trường Nghệ thuật và thiết kế St.Martins, Đại học Nghệ thuật Berlin, Viện Nghệ thuật Thị giác Nuremberg, ĐH Phillips ở Marburg cũng như hai trường múa ở London và Berlin. Năm ngoái nhân một cuộc triển lãm ở Berlin, có 2 trong số 5 người trên được cử ra tiếp xúc với giới báo chí. Một người, nam giới, bôi mặt như một chú hề trong rạp xiếc; còn người kia, nữ giới, đeo mặt nạ và hóa trang như nàng Colombina. Họ gọi các thành viên khác trong nhóm theo số. Thí dụ “chú hề” kể: “Tại Nuremberg, tôi gặp Số 3, anh ấy là người Anh và là một nghệ sĩ đồ họa, trước khi đến Nuremberg từng học tại Trường Nghệ thuật và thiết kế St.Martins…”

Nhân triển lãm “Perception and Sensation” của AA vừa được khai mạc ngày 4/7/2008 tại MAGAZIN4 ở Berlin, có ba người trong nhóm xuất hiện, tạm xưng là Maya, Ed và Nils. Họ nhất định không tặng chữ ký cho những người mua vựng tập tranh của họ và Maya lý giải vì sao lại dùng tên nhóm chung là Artists Anonymous: “Đơn giản vì chúng tôi không muốn có bất cứ một sự sùng bái cá nhân nào đối với mỗi nghệ sĩ và không muốn có sự cạnh tranh nào giữa họ với nhau”. Hãy để công chúng tự đánh giá và lựa chọn tác phẩm theo nội dung và chất lượng.

Maya, Ed và Nils cho biết năm 2001 họ vẫn còn là sinh viên khi họ đồng sáng lập ra AA. Nhóm này được thành lập với những điều lệ khá chặt chẽ. Chẳng hạn các thành viên của nhóm xác định không làm một nghề gì khác ngoài sáng tác.“Chúng tôi muốn kiếm sống bằng nghệ thuật của mình”, Maya cho biết.
 Gunslinger - tác phẩm của
AA ghi giá 13.500 bảng
Và “những nghệ sĩ ẩn danh” đã làm được điều đó một cách tuyệt vời. Mặc dù các tác phẩm của họ thường đề cập tới những đề tài nặng nề như chiến tranh, nạn đói, ma túy hay aids, song chúng bán khá chạy. Họ đưa rất nhiều cái tôi vào tác phẩm của mình. Ngay cả những tác phẩm mang phạm trù rộng lớn, thí dụ như chiến tranh, “cũng bộc lộ những quan niệm hết sức cá nhân; chiến tranh cũng có thể xảy ra ở một ký túc xá sinh viên”, Maya nói.

Một thủ pháp nghệ thuật hay được sử dụng của “những nghệ sĩ ẩn danh” là tạo âm bản, theo đúng nghĩa đen của nó, cho một tác phẩm nào đó của mình. Dĩ nhiên âm bản này được tạo ra không phải qua phim ảnh, mà được vẽ lại một cách chính xác từ bản gốc, với màu sắc và ánh sáng đảo ngược để qua đó tạo ra một tác phẩm hoàn toàn mới, được “trừu tượng hóa” ở một mức cao hơn, như Maya cho biết.
 
* Tự do tuyệt đối

Ngay vào năm 2003, các tác phẩm của nhóm AA, khi ấy đều là những nghệ sĩ mới ra trường, đã khiến một chủ phòng tranh ở Berlin đặc biệt hứng thú. Ông đã ký hợp đồng với các nghệ sĩ trẻ và cuộc triển lãm của họ gây tiếng vang lớn. Thế nhưng ngay khi ấy các “nghệ sĩ ẩn danh” đã thấy có nhiều điều không hợp với họ. Họ không muốn cho một chủ phòng tranh nào đó ký hợp đồng độc quyền với mình, họ không muốn có những thỏa thuận trước về giá tranh hay tỷ lệ “ăn chia” và họ cũng không muốn tự khuyếch trương mình theo những kịch bản mà các chủ phòng tranh đưa ra - những công việc hết sức đặc thù cho sự vận hành của thị trường nghệ thuật. “Làm như vậy, chúng tôi mất hết tự do”, Nils nói.
 
Tác phẩm video-art Nervous Breakdown tại phòng 
 Trưng bày của AA ở Berlin
Do các “nghệ sĩ ẩn danh” không chịu tuân theo các nguyên tắc của thị trường nghệ thuật, nên rốt cuộc chẳng có phòng tranh nào ở Berlin chịu hợp tác với họ. Vì thế nhóm AA đành chuyển sang London. Tại đó, lần đầu tiên họ tự đứng ra tổ chức một cuộc trưng bày mang tên “Ma túy”, trong một garage ô tô! Một ngày trước khi cuộc triển lãm này diễn ra, tờ Times dành hẳn 1 trang đăng bài của Grayson Perry, một nghệ sĩ Anh từng được trao giải mỹ thuật danh giá Turner, về nhóm nghệ sĩ nhất định không chịu tiết lộ tên tuổi này. Kết quả không ngờ: Người đến xem đông nườm nượp, các bức tranh trưng bày đều được bán sạch. “Như là Rock'n'Roll”, Nils kể lại. Từ đó đến nay, năm nào AA cũng tổ chức 4 – 5 cuộc triển lãm lớn.

Kể từ mùa thu năm ngoái, AA lại trở về Berlin và trưng bày các bức tranh, video-art và sắp đặt của mình tại một phòng tranh do họ sở hữu, chẳng cần theo một hợp đồng nào, cũng chẳng phải theo sự sắp đặt hay gợi ý sáng tác của một chủ phòng tranh nào.

Tranh của họ không bao giờ đề giá, thường mang dòng chữ: “Giá bán theo thỏa thuận”. Trên internet cũng vậy, các tranh của họ chỉ đề: “Giá: Liên hệ với phòng tranh”. Tìm mãi mới thấy một bức tranh đề giá, đó là bức Gunslinger, giới thiệu trên trang artnet.de, với giá 13.500 bảng Anh (khoảng 27.000 USD).
 
Đăng Dương
Theo TT&VH